Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Lên núi làm nông nghiệp "sạch"

Du lịch Đà Lạt - Thực hiện chương trình hợp tác toàn diện giữa hai địa phương, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp TPHCM đã mạnh dạn tìm đến vùng đất cao nguyên Lâm Đồng đầu tư vốn, công nghệ để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), đồng thời hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp và nông dân Lâm Đồng tạo đầu ra ổn định cho nông sản.
Rau Đà Lạt

Năm 2006, Công ty TNHH Báo Đáp (quận 1, TPHCM) là một trong những doanh nghiệp tiên phong triển khai đầu tư vào khu NNCNC tại huyện Lạc Dương. Trên diện tích 45 ha, đơn vị đã đầu tư xây dựng trang trại sản xuất hoa chất lượng cao Dasar Farm, trong đó có 4,5ha hoa trồng trong nhà kính. Bà Nguyễn Quỳnh Giao, Phó Giám đốc Dasar Farm, cho biết hiện 90% hoạt động sản xuất của trang trại đã được tự động hóa bằng các phương tiện, thiết bị hiện đại, đồng bộ.
Trồng hoa theo công nghệ cao ở Đà Lạt
Các khâu tưới nước, bón phân đều được lập trình bằng máy như tưới nhỏ giọt, tưới phun, bón phân hòa tan nhỏ giọt vào gốc cây… Hệ thống điều chỉnh, kiểm soát đất đai giúp người quản lý biết được cây trồng đang cần gì để điều tiết công thức cho phù hợp. Bên cạnh đó, trang trại có phòng thí nghiệm phục vụ việc nuôi cấy mô nhằm cung cấp nguồn giống sạch bệnh.
Sau thời gian trồng thử nghiệm, từ năm 2009, hàng loạt sản phẩm hoa chất lượng cao của Dasar Farm đã có mặt trên chuỗi cửa hàng của Công ty Báo Đáp tại TPHCM, đồng thời chinh phục các thị trường nội địa khác ở Hà Nội và các tỉnh miền Trung. Hiện sản lượng các loại hoa cắt cành chủ đạo của Dasar Farm như: hồng, cúc, cẩm chướng, đồng tiền đạt khoảng trên 700.000 cành và 5.200kg hoa cát tường. Theo bà Nguyễn Quỳnh Giao, trong năm 2011, đơn vị có hướng mở rộng diện tích trồng hoa lên gấp đôi, đồng thời chú trọng đầu tư vào khâu sau thu hoạch.
Cũng mục tiêu chủ động nguồn cung ổn định và chất lượng, nhiều năm qua, Liên minh Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã bắt tay hợp tác với nông dân Đà Lạt. Đặc biệt, thực hiện chương trình bình ổn giá năm 2010, Saigon Co.op đầu tư 10 tỷ đồng thông qua Hợp tác xã Anh Đào (Đà Lạt) để hỗ trợ nông dân sản xuất 6 mặt hàng rau gồm: cà chua, khoai tây, cà rốt, sú trắng, dưa leo và xà lách mỡ. Ông Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm Hợp tác xã Anh Đào cho biết, với số tiền hỗ trợ đó, hợp tác xã đã ứng cho 17 xã viên và 60 hộ nông dân ngoài hợp tác mua giống và phân bón, đến khi thu mua sản phẩm sẽ trừ dần tiền ứng (không tính lãi). Cách làm này được nông dân hết sức ủng hộ vì họ không phải bỏ tiền đầu tư ban đầu, nông sản lại có đầu ra ổn định.
Sau 8 năm hợp tác với Saigon Co.op, từ một tổ hợp tác mỗi ngày chỉ xuất bán được 600 - 700kg rau, nay Hợp tác xã Anh Đào đã phát triển diện tích trên 100ha, trồng 32 loại rau thế mạnh của Đà Lạt, mỗi ngày cung cấp 18 tấn rau tiêu chuẩn VietGAP. Đó chỉ là 2 đơn vị tiêu biểu trong số hàng chục doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp tại Lâm Đồng.
Ông Huỳnh Phong Tranh, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho rằng, Lâm Đồng và TPHCM có những thế mạnh có thể bổ trợ cho nhau. Lâm Đồng với nhiều lợi thế trong phát triển các lĩnh vực NNCNC, công nghiệp chế biến nông – lâm sản, thủy điện, công nghiệp khai khoáng và du lịch. Vấn đề đặt ra với địa phương là vốn, công nghệ và nguồn nhân lực.
Theo thống kê, đến nay các doanh nghiệp TPHCM đã đăng ký đầu tư trên 60 dự án nông nghiệp tại Lâm Đồng với số vốn đăng ký hơn 2.300 tỷ đồng, tập trung vào trồng rau, hoa công nghệ cao, trồng rừng kinh tế kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng. Riêng khu NNCNC huyện Lạc Dương đã thu hút 5 doanh nghiệp TPHCM đầu tư trồng rau, hoa áp dụng công nghệ kỹ thuật cao. Các dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt và thí điểm nuôi cá nước lạnh của doanh nghiệp TPHCM tại Lâm Đồng cũng mang lại kết quả khả quan.
Nguồn: Thanh niên

Không có nhận xét nào: