Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Đà Lạt vẫn đang thiếu... hoa?

  Một đô thị mới hơn 110 tuổi với cái tên được nhiều người ưa gọi: " thành phố Hoa" nổi tiếng với sự sang trọng của Hoa và kiến trúc "Tây", với một bề dày trồng hoa hàng hóa khá sớm: từ 70 năm trước.



Nhân lễ hội Hoa đang diễn ra ở Đà Lạt TTO đã có cuộc trao đổi lý thú với ông Nguyễn Tri Diện, chủ tịch UBND thành phốchung quanh chủ đề Hoa.
Lãnh đạo một thành phố không lớn, nhưng quá  nổi tiếng, được người ta yêu mến nhiều, ông có cho đó là một thách thức ?
- Tôi nghĩ đó là cơ hội. Bởi khi làm việc gì mà được nhiều người "giám sát" ta sẽ làm cẩn thận, chuẩn hơn, bởi sự "giám sát" ấy chính là sự đòi hỏi, không gì khác ngoài cho tốt, đẹp hơn. Sự " nổi tiếng" của Đà Lạt là một cơ hội, điều kiện thuận lợi để đưa Đà Lạt phát triển.
* Cái mà Đà Lạt đang thiếu, theo ông?
- …Hoa!
*  Sao lại là hoa!?…
- Lâu nay mang " mỹ danh" ấy, nhưng thực ra hoa chủ yếu vẫn xuất phát từ hoa…" trời cho" (trong tự nhiên),  nhưng nó vẫn còn quá ít, tạm bợ, manh mún, chưa rộng khắp phố phường, dù có nhiều hơn so với những thành phố khác. Nói chung một  ý thức dùng chính hoa - lợi thế tự nhiên để  thiết kế đô thị, trang điểm cho  phố phường chưa hình thành thật sự.
Ngay cả nghề sản xuất hoa có đi trước, hoặc hơn những địa phương khác, nhưng cũng chưa thật sự lớn, mạnh tương xứng với tiềm năng khí hậu tuyệt vời mà Đà Lạt đang sở hữu, không riêng trong nước mà nhiều nơi trên thế giới cũng phải thèm khát.
Nói chung, có vẻ như lâu nay vì quá yêu mà du khách khen tặng cho Đà Lạt cái tên ấy (Thành Phố Hoa). Lời khen đôi khi cũng là thách thức cho "người" được khen !
* Mục tiêu mà Đà Lạt đang hướng đến ?
- Một " Thành Phố Hoa" thực sự! Và cái tên gọi ấy sẽ không còn là " đầu môi", là lời khen tặng của dân gian, danh hảo, mà trở thành một … thương hiệu - thương hiệu " Thành phố Hoa". Chính quyền phải đổ công ra mà xây dựng nên "thương hiệu" ấy, cùng người dân, không phải chỉ dựa hoa trời cho, tức phải "nhận thức" hoa một cách chuyên nghiệp.
Làm sao đó để hoa hiện diện không chỉ ở công viên, trên đường phố, mà phải đến mọi ngõ ngách, ở tất cả mọi nhà, từ nơi ô cửa sổ cho đến cái ban công… Làm sao đó để người dân chúng tôi một mai " bám" được vào cái thương hiệu ấy mà sống - sống sang trọng  và bền vững, cùng hưởng lợi từ  hình ảnh, danh thơm của thành phố, cùng làm du lịch...
* Các ông đề ra cả một "chính sách" phát triển Hoa cho đô thị. Nếu đúng thế thì là duy nhất ở VN rồi ?
- Đúng thế, từ chủ trương đầy khát khao như trên, chúng tôi xây dựng một chương trình phát triển hoa đô thị, ở đó kêu gọi toàn dân cộng đồng trách nhiệm, lo lắng cho "vấn đề"…hoa. Hai năm gần đây hoa trên đường phố đã có " khá" hơn. Chúng tôi đã lập quĩ " HOA", mời gọi ai yêu Đà Lạt hãy cùng chúng tôi lo chuyện trồng hoa cho nó, góp công, góp tiền…. Năm nay nhân dân, các cơ quan  trồng hoa cho mình cũng được chính quyền trợ giá đến 20% hoa giống. Nay mai thành phố giàu lên sẽ trợ giá cao hơn nữa để khuyến khích trồng hoa.
Chính quyền chủ động nhập hoa từ các nước để tạo ra quĩ giống phong phú cho mọi nhà. Dựa vào những điều kiện khả dĩ của Đà Lạt, và có lẽ do nhận thấy tham vọng đầy nỗ lực của chúng tôi mà Chính Phủ đã chỉ đạo lấy Đà Lạt làm nơi hàng năm diễn ra " Festival Hoa" của VN (sẽ chính thức bắt đầu từ năm 2005).
* Sao mấy chục năm trôi đi, bây giờ mới đột phá cho điều (lợi thế) tất yếu đó?
- Cái gì cũng cần có thời gian. Trước kia lo chuyện khác, hoặc suy nghĩ không tới; nay mới nhận thức ra, mà đã nhận ra thì làm. Lại nữa là, càng ngày càng thấy nghề trồng hoa hiệu quả cao nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, siêu lợi nhuận. Năm trước chúng tôi đặt ra: Đà Lạt -thành phố xanh. Năm nay nâng lên một bước: " Thành phố Hoa", không chỉ xanh mà còn phải rạng rỡ, đã xanh thì rạng rỡ luôn cho hay, cho độc đáo.  Năm trước có tổ chức môi trường của Liên Hiệp Quốc hứa giúp xây dựng Đà Lạt thành " Thành phố Xanh"  đầu tiên ở VN, năm nay Chính Phủ Hà Lan hứa giúp phát triển nghề trồng hoa….
* Sở hữu cả một điều kiện lý tưởng bậc nhất về khí hậu và thổ nhưỡng cho hoa như thế, chẳng lẽ các ông chỉ dùng hoa để " trang điểm" cho đô thị. Hình như cơ hội ngàn vàng đã tới với Đà Lạt, các ông sẽ thừa thắng xông lên để trở thành trung tâm trồng hoa đẳng cấp quốc tế?
- Hiện mỗi năm xuất khẩu hoa chúng tôi tăng 20%. Ở Trung Quốc nổi lên rất rình rang là tỉnh Côn Minh, và cũng  đang có  tiếng ở khu vực Châu Á, về trồng hoa công nghiệp, nhưng kim ngạch xuất khẩu hoa của họ cũng mới ở con số 30 triệu USD/ năm. Trong khi chúng tôi lâu nay âm thầm nhưng cũng đã đạt 8 triệu USD/ năm.
Hiện diện tích hoa của Đà Lạt là 800 ha, cho thu 350 triệu cành/ năm, nhưng đến năm 2010 chúng tôi sẽ đưa lên 10.000ha, với trên 2 tỉ cành/ năm. Hoa chúng tôi sẽ " tỉ thí" với khu vực, và dần sẽ rộng hơn thế nữa. Theo đó, chúng tôi sẽ kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực trồng hoa công nghệ cao với tạo thuận lợi về hạ tầng, ưu đãi về giá thuê đất (chỉ khoảng vài trăm USD/ ha/ năm), giảm thuế (có thể đến 5 năm)…
Chúng tôi cũng đang xúc tiến xây dựng một Trung tâm đấu xảo hoa đầu tiên ở VN-trung tâm này sẽ là "sân chơi" công bằng, sòng phẳng cho nhà vườn và doanh nghiệp bán - mua hoa hàng ngày… để từ đó tăng giá trị của hoa, rồi đưa nó đi cả nước hay ra nước ngoài để đưa nghề trồng hoa vào đường chuyên nghiệp.
* Trong bản qui hoạch phát triển nông nghiệp của Đà Lạt cho mười năm sau, chúng tôi thấy diện tích nông nghiệp chỉ khống chế đến 5000 ha, nay riêng hoa đã  là 10.000 ha, chẳng lẽ lại xảy ra cảnh "đổi rừng thông_ đối tượng tạo ra và gìn giữ khí hậu mát lành  cho Đà Lạt - lấy… Hoa" ?
- Không bao giờ chúng tôi dại đến thế, vì mất rừng thông DaLat đâu còn là DaLat, lúc đó du khách sẽ quay lưng với chúng tôi. Rừng thông vẫn phải giữ nghiêm ngặt, đảm bảo đạt độ che phủ trên 60% (cao nhất nước).
Giải pháp là chúng tôi sẽ bóp diện tích trồng rau lại, cùng đó là khuyến khích phá bỏ diện tích  cây công nghiệp kém hiệu quả để làm "phình ra" quĩ  đất trồng hoa,  càng nhiều càng tốt, vì với Đà Lạt chẳng có cây trồng nào mà cùng lúc mang lại nhiều lợi ích và gía trị kép như hoa.
Cùng  bật mí ngay là ngoài Trung tâm hoa cao cấp của Cty Dalat Hasfarm chúng tôi sẽ mở thêm một loạt trung tâm sản xuất hoa cao cấp khác, như: xã ngoại vi Tà Nung, xã Xuân Thọ, xã Xuân Trường, phường 11, phường 7, những nơi quĩ đất còn nhiều. Chúng tôi sẽ thuận lợi hơn vùng Côn Minh (Trung Quốc) vì nghe đâu họ bước vào "thế giới hoa" phải trải qua từ  ruộng lúa sang rau, rồi mới đến hoa, còn chúng tôi đi thẳng đến hoa, nông dân chúng tôi lại có kinh nghiệm trồng hoa thương mại từ hơn 70 năm qua, mà đó là khối " tài sản" lớn vô cùng, như một thứ giá trị gia tăng cho "Hoa Đà Lạt".
* Được biết chính quyền Đà Lạt còn định đưa nông dân sang Hà Lan học trồng hoa?
- Nông dân thì có thể có những chuyến đi tham quan, tìm hiểu ngắn hạn, nhưng đưa con em của họ đi đào tạo ở Hà Lan thì có chiến lược hẳn hoi. Năm 2005 chúng tôi sẽ đưa 12 thanh niên trẻ đầu tiên  - vừa xong trung học sang quốc gia hàng đầu về hoa này học nghề trồng và kinh doanh hoa để về tăng tốc phát triển ngành hoa của quê hương. Từ nay chúng tôi sẽ tăng cường giao lưu quốc tế để có thêm nhiều cơ hội cho người Đà Lạt được ra nước ngoài, cọ sát và học hỏi nghề hoa.
*  Cái mốc Đà Lạt trở  thành "Thành Phố Hoa" đúng nghĩa?
- … Năm 2010, chắc chắn! Chúng tôi sẽ huy động tổng lực để đạt được điều đó…


Không có nhận xét nào: