Ngành hoa là
một ngành nông nghiệp công nghệ cao, cũng là ngành công nghiệp không khói, ngành
hỗ trợ rất tốt và đồng hành với ngành du lịch dịch vụ.
Có thể nói
ngành hoa là ngành siêu lợi nhuận. Hiệu quả kinh tế của nhiều loại cây trồng
thường được tính trên ha (như các loại cây công nghiệp, cây rau…), trong khi đó
hiệu quả kinh tế của cây hoa lại được tính trên m2. Nếu chúng ta tổ
chức sản xuất hoa tốt như các công ty nước ngoài đã và đang làm tại Đà Lạt thì
chắc gì hiệu quả của một số ngành công nghiệp đã bằng.
Đơn cử trên
cây hoa lyli, mỗi năm có thể trồng được 03 vụ, bình quân mỗi 1m2 có
thể trồng được 27 cây; sản phẩm thu hoạch sau khi đã khấu trừ các khoản đầu tư,
tiền lãi bình quân đạt 1.500 đ/cây, như vậy mỗi năm trồng lyli có thể lãi trên 1
tỷ đồng/ha. Tương tự như vậy, với cây hoa cát tường mỗi năm trồng được 2,5 vụ,
trên mỗi 1m2 trồng được 27 cây, mức lãi bình quân 1.000 đồng/cây, ước
tính mỗi năm lãi 0,7 tỷ đồng/ha. Cây cúc mỗi năm trồng dược 3,5 vụ,
1m2 trồng được 50 cây, tiền lời 400 đồng/cây thì mỗi năm lãi trên
0,6 tỷ đồng/ha. Nếu so với mục tiêu phấn đấu đạt thu nhập bình quân 50 triệu/ha
thì ngành trồng hoa cắt cành của Đà Lạt đã vượt xa hơn rất nhiều
lần.
So sánh về
thu nhập thì ngành hoa Đà Lạt đã cho thấy hiệu quả kinh tế rất rõ ràng nhưng
trên thực tế hiện nay ngành hoa Đà Lạt đang phát triển không bền vững và rất
manh mún. Tốc độ phát triển rất nhanh với mức gia tăng bình quân trong 5 năm gần
đây khoảng 30%/năm, nhưng là phát triển tự phát, phát triển theo phong trào. Một
ví dụ có thể nhận thấy một cách cụ thể nhất là hiện nay cả nước đang có phong
trào trồng hoa lyli. Các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến địa
phương đều tập trung “lăng xê” cho cây hoa lyli; các viện, các trường, các sở
khoa học công nghệ, các sở nông nghiệp & PTNT, các trung tâm nông nghiệp
trên cả nước đang “sôi sục” làm dự án trợ giúp cho nông dân trồng lyli. Trong
vài năm gần đây, cây hoa lyli là một trong những cây trồng cho giá trị thu nhập
khá cao do đây là loại hoa cao cấp, cần vốn lớn nên ít người đầu tư ; trong khi
nhu cầu người tiêu dùng trong nước tăng cao. Đặc biệt là trong các ngày lễ tết,
người trồng lyli có thể có thu nhập đến mức “một vốn bốn lời” ; có hộ, có công
ty thu lời hàng tỷ đồng chỉ trong một vụ hoa Tết.
Theo thống
kê của Hiệp hội Hoa Đà Lạt, năm 2007 ngành sản xuất hoa Đà Lạt sử dụng khoảng 12
triệu củ giống hoa lyli, năm 2008 gia tăng lên 125% với 15 triệu củ giống và
theo ước tính năm 2009 đã lên đến 20 triệu củ giống, mức tăng 180% so với năm
2007. Mức tăng này còn có khả năng cao hơn nếu các công ty gống của Hà Lan đáp
ứng được yêu cầu sản xuất của nông dân Đà Lạt (khoảng 25 triệu củ giống hoa lyli
đặt hàng từ đầu năm). Dự kiến năm 2010 mức cầu củ giống hoa lyli của Đà Lạt có
thể đạt đến 30 triệu củ, các nhà cung cấp tại Hà Lan kinh ngạc với tốc độ tăng
nhu cầu củ giống lyli của Việt nam mà đại diện là ngành hoa Đà Lạt - Lâm Đồng và
họ cũng chỉ có thể đáp ứng được từ 70 - 80%. Do tốc độ tăng trưởng quá nhanh nhu
cầu củ giống hoa lyli nên đã xảy ra tình trạng khan hiếm, đẩy giá củ giống tăng
cao. Năm 2008, giá củ giống lyli Sorbon size 18/20 bán cho nông dân trồng vụ hoa
Tết khoảng 7000-8.000 đ/củ thì cũng vụ tết năm 2009 giá củ giống lyli Sorbon
size 18/20 đã lên đến 12-14.000 đ/củ mà vẫn không có để cung cấp. Cũng cần giải
thích thêm, hoa lyli là cây hoa chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa, gần như không
có khả năng xuất khẩu, do vậy nguy cơ kinh tế bong bóng cho loại hoa này là hoàn
toàn có thể xảy ra và điều này cũng có thể xảy ra tương tự với các loại cây hoa
khác. Nếu tốc độ gia tăng bình quân về diện tích và sản lượng hoa hàng năm ở mức
20-30% thì nguy cơ cung vượt cầu trong tương lai gần của thị trường nội địa là
điều chắc chắn xảy ra nếu không xuất khẩu được…
Bên cạnh đó,
cơ sở hạ tầng kỹ thuật của ngành hoa Đà Lạt – Lâm Đồng có quá yếu kém, hầu hết
nhà kính là nhà tre hoặc nhà sắt tạm bợ, chắp vá, công nghệ nói chung và đặc
biệt công nghệ sau thu hoạch hoàn toàn không thể đáp ứng được cho yêu cầu xuất
khẩu. Đầu ra cho sản phẩm hoa thì chưa được tạo lập, phương thức mua bán vẫn
theo kiểu truyền thống từ vài chục năm trước đây, ngay chợ đầu mối cho ngành hoa
tại Đà Lạt là một vấn đề bức xúc hàng chục năm nay vẫn chưa được giải quyết
(Hiệp hội đã có rất nhiều bài viết đề cập đến vấn đề này).
Từ thực tiễn
trong hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm hoa cắt cành của các thành viên
Hiệp hội, chúng tôi có một vài vấn đề cần phân tích và kiến nghị để phát triển
ngành hoa Đà Lạt – Lâm Đồng trong những năm sắp tới.
Trước tiên
là vấn đề quy hoạch và định hướng phát triển của ngành hoa. Việt Nam là một quốc
gia nằm giữa các vùng trồng hoa có thế mạnh của khu vực Đông nam Á. Trong đó,
Trung quốc là cường quốc về hoa cắt cành ngắn ngày; Đài Loan rất mạnh về các
loại lan Phalaenopsis, Cymbidium; Thái Lan, Singapore với các sản phẩm hoa lan
Dendrobium, Oncidium, Vanda… Xét về các ảnh hưởng của điều kiện lượng mưa và ẩm
độ thì có thể là như nhau nhưng xét về những ảnh hưởng của nhiệt độ thì Đài Loan
và Trung Quốc khắc nghiệt hơn bởi có khi quá rét (có băng giá) và có khi lại quá
nóng (biên độ nhiệt lớn).
Khu vực Lâm
đồng nói riêng, bao gồm Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc,
Bảo Lâm, khu vực tây nguyên nói chung, có điều kiện tự nhiên cực kỳ ưu đãi cho
việc sản xuất hoa. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi các công ty nước ngoài
đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hoa tại Lâm Đồng đã tổ chức đầu tư sản xuất ở nhiều
vùng khí hậu khác nhau tùy thuộc vào từng loại sản phẩm. Công ty Đà Lạt Hasfarm
ở Đà Lạt với sản phẩm chủ yếu là các loại hoa ôn đới như hoa cúc, hồng, cẩm
chướng, đồng tiền, các loại hoa chậu… Công ty TNHH Apollo ở Đơn Dương với sản
phẩm là các loại hoa lan hồ điệp Phalaenopsis và hoa cát tường. Công ty TNHH Lâm
Thăng ở Di Linh với sản phẩm là các loại hoa lan hồ điệp Phalaenopsis,
Dendrobium. Công ty TNHH Việt nam Thành công ở Bảo lộc với sản phẩm chính là các
loại lá trang trí. Công ty TNHH Hoa Trường xuân ở Bảo Lâm với sản phẩm là các
loại hoa vũ nữ Oncidium, hoa hồng môn Anthurium… Việc tổ chức sản xuất các chủng
loại hoa theo điều kiện khí hậu thổ nhưỡng mà các công ty nước ngoài thực hiện
tại Lâm Đồng không phải là ngẫu nhiên mà là có sự tính toán chặt chẽ để mang lại
hiệu quả kinh tế. Điều này được họ thực hiện trước khi có định hướng quy hoạch
phát triển ngành hoa của cả nước.
Những người
trồng hoa ở Lâm Đồng mong muốn có một quy hoạch để định hướng cho sự phát triển
ngành hoa của cả vùng một cách ổn định và bền vững trên cơ sở các luận cứ khoa
học về vấn đề lợi thế cạnh tranh, về xu thế phát triển của thị trường trong và
ngoài nước… chứ không phải là sự phát triển tự phát như những năm qua và hiện
nay. Chúng ta có thể so sánh Đà Lạt với vùng hoa Côn Minh – Trung Quốc để xác
định Đà Lạt nên sản xuất loại hoa gì? sản xuất vào mùa nào và bán ở đâu?.....
Cũng có thể so sánh với vùng sản xuất hoa ở cao nguyên Cameron của Malaysia với
các lợi thế cạnh tranh về sản phẩm và cung đường vận chuyển đến thị trường Nhật
Bản…
Vấn đề cần
quan tâm tiếp theo là vốn đầu tư để phát triển hạ tầng kỹ thuật. Phát triển nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi cũng phải có nhà xưởng, phải có máy móc
thiết bị chuyên dùng, phải có công nhân nông nghiệp, phải có quy trình sản xuất
theo tiêu chuẩn….. Tại công ty Đà Lạt Hasfarm, mỗi ha nhà kính có giá trị đầu tư
khoảng 5-7 tỷ đồng. Mỗi ha nhà kính của công ty TNHH Apollo đầu tư khoảng 3
triệu USD. Nhà kính mà nông dân hay các công ty Việt Nam nhập từ nước ngoài với
chất lượng chấp nhận được cũng phải đầu tư không dưới 3 tỷ đồng/ha. Tại sao ngư
dân muốn đánh bắt xa bờ thì được vay vốn dài hạn, công nghiệp nhập máy móc thiết
bị, nhà xưởng thì được vay vốn dài hạn, trong khi đó người sản xuất hoa muốn đầu
tư công nghệ, thiết bị tiên tiến để sản xuất có hiệu quả hơn thì chỉ được vay
vốn với tỷ lệ thấp và thời gian không quá 3 năm… Gói kích cầu mà Nhà nước đã
thực hiện trong thời kỳ suy thoái kinh tế vừa qua thực chất chưa đến tay người
trồng hoa Đà Lạt, hoặc có đến thì cũng với tỷ lệ rất nhỏ. Vốn đầu tư sản xuất
nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất hoa là vấn đề mà hiện nay
không ít người nông dân và doanh nghiệp hết sức trăn trở.
Về trình độ
công nghệ, nông dân nói chung và hầu hết các doanh nghiệp trong nước trồng hoa
tại Đà Lạt là nông dân lên đời. Cách học của chúng ta là học mót, học lỏm, làm
không có bài, không thể tiến xa được và chung tá chũng chỉ là dạng “gà què ăn
quẩn cối xay”.… Người trồng hoa ở Trung Quốc, Đài Loan được nhà nước quan tâm
đầu tư hạ tầng gồm nhà kính, hệ thống tưới tiêu.. người dân đến thuê sẽ được cấp
giấy chứng nhận và có thể cầm giấy chứng nhận đó ra ngân hàng vay tiếp phần vốn
lưu động để sản xuất (với điều kiện khu vực A sản xuất loại cây đã quy hoạch),
được trợ giúp kỹ thuật, được giới thiệu nơi tiêu thụ…. Người trồng hoa ở Trung
Quốc muốn đầu tư công nghệ mới để trồng hoa thì được nhà nước cho vay vốn ưu đãi
đến 10 năm. Tại khu Song Minh, cách Côn Minh 200 km, nhà nước lập thành khu nông
nghiệp công nghệ cao, mời gọi được 19 công ty hàng đầu thế giới đến để đầu tư
sản xuất hoa với những chính sách cực kỳ hấp dẫn chỉ với điều kiện phải cho các
đoàn tham quan; lần nào đi Côn Minh chúng tôi cũng được dẫn đi tham quan khu vực
này. Ở ta, nông dân thật sự không biết học ở đâu theo dạng “tai nghe - mắt thấy-
tay sờ”.
Về công tác
nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất, tại sao các đề tài khoa học trong lĩnh vực
nông nghiệp của ta hầu như chưa được ứng dụng vào thực tiễn. Ví dụ, để tạo được
một giống mới, quá trình nghiên cứu, lai tạo, đột biến… đã hàng chục năm, có khi
mất cả một đời người. Chỉ riêng qúa trình khảo nghiệm cũng mất 2-3 năm… Vậy mà
một đề tài chỉ duyệt theo tài khóa 1 năm và quá lắm chỉ là 2 năm, điều này không
khuyến khích người làm công tác nghiên cứu, đặc biệt là sáng tạo ra những sản
phẩm mới về giống cây trồng phục vụ cho sản xuất. Ngoài ra, hình như việc định
hướng cho các trường, các viện nghiên cứu cũng chưa thật sự rõ ràng. Trong lĩnh
vực nuôi cấy mô tế bào thực vật, Đà Lạt hiện có trên 35 cơ sở cung cấp cây giống
cho sản xuất nhưng những sản phẩm cây giống đưa ra thị trường hiện nay chủ yếu
là của các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu của các trường, các viện chưa thực
hiện tốt khâu thị trường hóa sản phẩm nghiên cứu của mình. Việc đầu tư thích
đáng về cơ sở thiết bị, về con người để tạo ra những giống hoa mới, tạo lập ngân
hàng giống gốc hoặc thực hiện test virut để có giống hoàn toàn sạch bệnh cung
cấp cho các cơ sở cấy mô hiện nay đang còn bỏ ngỏ.
Có lẽ tất cả
chúng ta cần mổ xẻ:
Tại sao
ngành hoa Trung quốc thành công ?
Tại sao
ngành hoa Đài Loan thành công ?
Tại sao
ngành hoa Thái Lan thành công ?
Tại sao các
công ty nước ngoài sang Việt Nam làm hoa thành công ?
Tại sao sau
10 năm rồi mà các công ty trong nước vẫn chưa thành công ?
Bức tranh
ngành hoa Việt Nam, vùng Tây nguyên và cụ thể là Đà Lạt - Lâm Đồng trong 10 năm
tới sẽ là thế nào?
Nếu chúng ta
có thể huy động được một cách tốt nhất các nguồn lực của cả xã hội về vốn, về
điều kiện tự nhiên, về con người, về khoa học công nghệ, về các chính sách của
nhà nước …. để đầu tư một cách hữu hiệu cho sự phát triển ngành hoa thì chắc
chắn ngành hoa của chúng ta sẽ thành công./.
Trần Huy Đường
Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt
Giám đốc Công ty TNHH Langbiang Farm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét