Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Hiệu quả từ những mô hình khuyến nông


Mô hình bí đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: Nguyễn Lan
Những trang trại nuôi gà thả vườn quy mô hàng nghìn con, những giống lúa mới năng suất chất lượng liên tục được đưa vào sản xuất, những cánh đồng bí đỏ rộng mênh mông với quy mô gần trăm ha, những đầm cá rô phi đơn tính năng suất cao cho thu nhập cả trăm triệu đồng/năm… Đó là các mô hình phát triển sản xuất đang mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân Vĩnh Phúc. Sự thành công này có sự đóng góp không nhỏ của công tác khuyến nông. Với những mô hình, những phương pháp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đa dạng của hệ thống khuyến nông đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân; khuyến khích, trợ giúp họ áp dụng công nghệ mới vào sản xuất đã và đang để lại những dấu ấn tích cực trên chặng đường phát triển.
Ai về xã Yên Lập huyện Vĩnh Tường vào những ngày tháng 9, tháng 10 có lẽ điều ấn tượng nhất ở nơi đây đó là vùng bí đỏ bạt ngàn xanh ngút tầm mắt. Với bà con nông dân Yên Lập, bí đỏ được coi như là một cây trồng chủ lực chỉ sau cây lúa. Được bắt đầu từ một mô hình khuyến nông loại cây trồng này đã gắn bó với vùng đất bãi của Yên Lập đã gần 10 năm nay. Ban đầu chỉ là diện tích nhỏ, trồng xen kẽ với những cây trồng khác, nhưng chỉ một vài vụ sau, diện tích bí đỏ đã tăng dần và cho tới thời điểm này, một năm hai vụ, mỗi vụ là gần 100ha được trồng tập trung thành một vùng sản xuất hàng hóa. Chị Tình, cán bộ khuyến nông xã Yên Lập cho biết: “Giống bí đỏ hạt đậu F1 868 dễ trồng, thích hợp nhiều chân đất và có thể trồng quanh năm, ít sâu bệnh, giảm công lao động, thu nhập gần 2 triệu đồng/sào, gấp 2 - 3 lần so với loại cây khác. Nếu chăm sóc đúng quy trình, ngoài thu quả bà con có thể tận thu thêm từ 400.000- 500.000 đồng/sào/vụ từ nụ, hoa, lá và ngọn bí. Hộ nào ít nhất cũng trồng một vài sào, hộ nào có đất bãi diện tích trồng lên tới 1- 2ha. Điều đáng nói là thu nhập từ bí đỏ rất ổn định, lượng bí đỏ sản xuất ra tới đâu là bán hết tới đó nên bà con rất yên tâm khi mở rộng diện tích trồng.” Không chỉ có Vĩnh Tường, cây bí đỏ với những ưu thế vượt trội đã và đang được nông dân khắp trong tỉnh đón nhận. Tổng diện tích bí đỏ hàng năm đã lên tới 1000 ha hứa hẹn một loại cây trồng mới đem lại hiệu quả cho người nông dân.
Nói đến xã An Hòa huyện Tam Dương, chắc không ai không biết đến đây là vùng đất của cây dưa chuột. Trồng dưa chuột vốn là nghề truyền thống của người dân nơi đây nhưng đã và đang mang lại lợi ích lớn cho người nông dân. Từ giống dưa chuột truyền thống, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật với những mô hình trình diễn giống dưa chuột mới mà giờ đây, năng suất dưa chuột đã tăng từ 7- 8 tạ lên 1,8 - 2 tấn/sào. Nhờ đó, cây dưa chuột có thể giúp cho bà con thu nhập từ 5 đến 8 triệu đồng/sào. Nếu được giá có thể lên tới 10 triệu đồng/sào. Ông Đào Văn Bộ, cán bộ khuyến nông xã An Hòa cho biết: nhờ có những mô hình đưa giống dưa chuột mới về cho bà con mà năng suất đã tăng lên đáng kể, giúp giảm chi phí, giảm thời gian chăm sóc và thu hái. Bên cạnh dưa chuột, rất nhiều mô hình khác cũng được bà con An Hòa đón nhận và đưa vào luân canh tăng vụ nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích như: ngô ngọt, bí xanh, dưa lê siêu ngọt…mong muốn của bà con là ngày càng có nhiều giống mới năng suất chất lượng hơn nữa để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới những mô hình chăn nuôi đã làm thay đổi rất nhiều đời sống của người nông dân. Là người chăn nuôi gà đẻ đã nhiều năm, đã từng nuôi rất nhiều giống gà đẻ nhưng ông Nguyễn Văn Thanh xã Hoàng Hoa huyện Tam Dương đến bây giờ vẫn rất ưng ý với giống gà Ai Cập mà gia đình ông đang nuôi. Ông cho biết: cách đây khoảng 10 năm, khi đó gia đình tôi vẫn đang nuôi giống gà đẻ công nghiệp mà chúng tôi hay gọi là gà đỏ. Sau một vài lần được đi tham quan mô hình nuôi gà Ai Cập đẻ trứng, tôi rất thích và về chuyển đổi toàn bộ gà đỏ sang gà Ai Cập và nuôi giống gà này cho đến tận bây giờ. Ưu điểm của giống gà này là khỏe mạnh, trứng đẻ ra phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng vì vậy giá cả rất ổn định. Hiện tại, gia đình tôi đang nuôi 5.000 con gà Ai Cập. Giá trứng tôi đang bán buôn từ 2.500 đến 2.700 đồng/quả. Trừ chi phí, cứ một nghìn gà đẻ tôi lãi khoảng 400 đến 500 nghìn/ngày. 
Còn rất nhiều những mô hình khuyến nông khác đã và đang mang lại những thay đổi cho cuộc sống của người nông dân Vĩnh Phúc. Những mô hình này không chỉ khẳng định ưu thế về năng suất chất lượng, mà giúp nông dân mạnh dạn đầu tư quy mô lớn, mở rộng sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân./.
                                                                                           
Trung tâm Thông tin NN&PTNT 

http://nnptntvinhphuc.gov.vn/index.php?action=details&&idmuc=KN06L

Không có nhận xét nào: