Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Nông dân làm khuyến nông

Nhiều nông dân SX giỏi đã trở thành khuyến nông viên tích cực. Họ tận tình chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho hộ khác để cùng nhau làm giàu. NNVN ghi nhận một số gương nông dân tiêu biểu tại các tỉnh Lâm Đồng, Bến Tre và TPHCM.

Giúp nhau thoát nghèo
Ông Vũ Xuân Trường, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng dẫn chúng tôi đến một gia đình người dân tộc Cil (Chin). Đó là anh Ha Kai, SN 1962 ở thôn 10, xã Tân Thanh, một trong những gương mặt điển hình trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng cơ giới hóa vào SX để vươn lên làm giàu.
“Ha Kai là một trong những con chim đầu đàn về công tác khuyến nông của đồng bào dân tộc Cil. Anh rất cần cù chịu khó, năng động, sáng tạo, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp nhiều hộ thoát nghèo”, ông Trường cho biết.
Theo anh Ha Kai, trong thôn có tới 12 dân tộc anh em sinh sống, hầu hết là đồng bào dân tộc Cil, theo đạo Tin lành. Trước đây gia đình anh gặp nhiều khó khăn, cuộc sống du canh du cư nay đây mai đó, chỉ biết bắt con cá dưới suối, săn bắn con thú trên rừng, đốn củi để mua gạo, cái đói cái nghèo cứ đeo bám quanh năm.
Nguyên nhân của sự đói nghèo, theo anh là do nền SX lạc hậu, tập tục canh tác không được cải thiện, tỷ lệ mù chữ cao, đời sống văn hóa, tinh thần, không được mở mang. Từ sau ngày giải phóng đến nay, Đảng và Nhà nước không ngừng quan tâm nhất là chính sách với người đồng bào dân tộc thiểu số.
Được sinh ra và lớn lên, học tập dưới mái trường XHCN, dần dần người dân nơi đây được tiếp cận với TBKT, không còn du canh du cư mà sống định cư. Cả thôn ai cũng trồng được cây lúa nước, trồng dâu nuôi tằm, cà phê, nuôi heo, bò, dê…

Anh Ha Kai bên ngôi biệt thự của mình
Hồi hai vợ chồng anh mới cưới nhau rất vất vả, ngoài thời gian làm rẫy, phải đi làm thuê đủ việc để kiếm sống. Khởi nghiệp từ 1 sào cà phê, lúc đầu trồng cũng lúng túng, không biết bón phân, tỉa cành làm sao cho tốt… Được Hội Nông dân và Trạm Khuyến nông huyện tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, anh không những làm tốt mà còn chỉ cho mọi người cùng làm.
Nhờ chịu khó cần cù áp dụng TBKT vào SX, cà phê nhà anh rất tốt, cây nào cũng cũng nặng trĩu quả, năng suất đạt từ 4 - 4,5 tấn nhân/ha. Mấy năm trúng mùa, được giá, có tiền anh lại mua bò, dê về nuôi, lúc cao điểm đàn bò cũng lên tới 20 con. Bán bò, có tiền lại mua thêm đất trồng cà phê.
Tính đến nay, anh đã có 13 ha cà phê. Mua 1 xe tải, 2 máy cày, 1 máy xới, 1 máy phát cỏ, bình xịt thuốc sâu máy, 1 lò sấy cà phê công suất 10 tấn/mẻ... vừa phục vụ gia đình vừa giúp đỡ bà con trong xã. Ngoài ra anh còn có cửa hàng bán vật tư nông nghiệp như phân, thuốc BVTV…
Anh Ha Kai khoe: “Năm 2011 mình đã xây được nhà kiên cố, tổng thể vừa nhà, sân, tường bao khoảng 2,2 tỷ đồng. Không còn cái cảnh nhà tạm, bởi mỗi lần mưa bão sợ lắm!”.
Giờ đây có bát ăn bát để, anh lại có điều kiện để giúp cho những người còn khó khăn hơn mình, như hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê, bón phân loại gì, bón đúng liều lượng, đúng thời điểm. Khi cây bị bệnh, cần loại thuốc sâu nào để trị cho hiệu quả.
Hiện nay thu nhập chính của đồng bào là cây cà phê, tuy nhiên cây trồng nhiều năm bị già cỗi, dẫn tới năng suất giảm. Anh tới tận vườn tham quan, vận động bà con ghép giống cà phê cao sản cải tạo vườn cũ hoặc trồng mới bằng giống cao sản. Bà con làm theo hướng dẫn của anh ai cũng thành công.
Anh Ha Kai kể: “Hầu hết bà con ở đây kiến thức còn nhiều hạn chế lắm. Nhiều khi cán bộ nói họ không nghe, nhưng mình nói là họ nghe ngay. Thực ra mình chẳng tài giỏi gì nhưng mình được đi học, được tập huấn nhiều.
Mình phải là người làm trước, có hiệu quả, sau đó chỉ lại cho bà con nghe liền. Với bà con ở đây là phải cầm tay chỉ việc, không những hỗ trợ về kỹ thuật, đôi khi còn hỗ trợ cả vốn cho những hộ nghèo".
Qua việc trồng cà phê, chăn nuôi, làm dịch vụ, gia đình Ha Kai làm kinh tế rất hiệu quả. Mỗi năm thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng, anh đã làm được nhà khang trang, mua được xe tải và các loại máy hữu ích phục vụ nông nghiệp. Đặc biệt, anh đang hỗ trợ vốn cho 15 - 20 hộ, mỗi hộ từ 5 - 10 triệu đồng và cung cấp phân bón, thuốc BVTV trả chậm.
Ngoài ra anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương 3 triệu đ/người/tháng, bao ăn ở và 20 lao động thời vụ trả công 200.000 đ/ngày. Tới mùa thu hoạch anh đứng ra thu mua sản phẩm cho bà con, tránh được tư thương ép giá.
Được sự giúp đỡ của Ha Kai, nhiều hộ đồng bào dân tộc đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Những cố gắng nỗ lực của anh được vinh dự đón nhận nhiều bằng khen, giấy khen, nhiều năm liên tiếp đạt danh hiệu “Nông dân SX - kinh doanh giỏi”.

HIẾU CẦU   
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/2/19/113539/Nong-dan-lam-khuyen-nong.aspx

Không có nhận xét nào: